Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Này, nếu sống không tốt thì kiếp sau phải đầu thai sang Bắc Hàn đấy

"Nên Chí Phèo mãi sống và nhân dân Bắc Hàn vẫn ngụp lặn trong tăm tối. Vì nơi ấy là nơi để ngững linh hồn đầy tội lỗi đã từng gieo nhân xấu đầu thai lại để hưổng nỗi khổ đau. Đất Việt cũng là một trong những nơi như thế, nhưng ở mức ít tệ hơn". (BS. Hồ Hải)

Minh triết thì gieo nhân lành, u mê thì gieo nhân dữ

"Trước khi chúng ta sinh ra đời đã được một đấng tổ chức qui hoạch và sắp xếp đời mỗi chúng ta phải làm gì cho bản thân và cho đời, mà ta không biết được. Mỗi con người có một nghiệp dĩ đển đa đoan. Mỗi cộng đồng dân có một cộng nghiệp để trả hoặc vay những gì đã gieo. Khi sinh ra đời, quả thì buộc phải nhận mà không tránh được. Nhưng nhân thì mỗi chúng ta có khả năng chủ động gieo. Minh triết thì gieo nhân lành, u mê thì gieo nhân dữ. Đó là cách con người xử thế với luật tuần hoàn một cách vô thức vì bản ngã của mình".
(Thu Giang - Nguyễn Duy Cần)

Michael Porter - cha đẻ chiến lược cạnh tranh : “Muốn trở thành công ty tốt nhất là một sai lầm”

SGTT.VN - Trao đổi với đông đảo doanh nhân tại hội thảo Cạnh tranh và chiến lược công ty ngày nay sáng 29.11 tại Hà Nội (trường doanh nhân PACE tổ chức), giáo sư Michael Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh nhấn mạnh: nếu bạn muốn trở thành công ty tốt nhất trong một ngành thì đó là một sai lầm.

GS Michael Porter nói, có một xu hướng tự nhiên của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là làm sao trở thành công ty tốt nhất trong lĩnh vực của mình. Một công ty đóng tàu tốt nhất, một ngân hàng tốt nhất, một công ty thực phẩm tốt nhất…Thế nhưng đó lại là một cái bẫy.

Phải là người độc nhất

Giáo sư Michael Porter. Ảnh: V.Anh

“Bởi vì trong cạnh tranh thì không có công ty nào là tốt nhất, trong bất cứ ngành nào”, GS Michael Porter lý giải. Công ty tốt nhất phụ thuộc vào nhu cầu mà chúng ta cố gắng đáp ứng, trong khi đó nhu cầu thì rất khác nhau. Ví dụ, cái xe nào là tốt nhất? Chẳng có cái xe nào tốt nhất cả, mà tất cả phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, phụ thuộc vào số tiền khách hàng muốn chi trả, vào sự sử dụng chiếc xe khách hàng sẽ sở hữu. Tất cả phụ thuộc vào nhu cầu nào mà bạn cố gắng đáp ứng được.

“Do đó, khi tính đến chiến lược, bạn không thể nghĩ đến việc trở thành người tốt nhất, mà phải nghĩ làm sao mình trở thành độc nhất (unique). Làm sao tạo nên giá trị độc đáo, đem lại cho khách hàng của mình, dù là trong bất kỳ lĩnh vực nào”.

GS Michael Porter nhấn mạnh, sai lầm tồi tệ nhất trong chiến lược là tham gia vào cuộc cạnh tranh về cùng một sản phẩm giống nhau. Điều đó sẽ khó đem lại thành công, với bất kỳ ai, và nó cũng không tốt cho khách hàng vì họ không có sự lựa chọn nào khác.

“Nói cách khác, chiến lược có thể đem lại thành công là bạn phải đem lại sự lựa chọn khác cho khách hàng, giúp mang lại vị trí độc quyền của công ty”.

Ba lỗi cơ bản khi nghĩ về chiến lược

Theo GS Michael Porter, khi nói về chiến lược, ông thấy có ba lỗi cơ bản.

Một là các nhà lãnh đạo nhầm chiến lược với mục tiêu. Nhiều nhà lãnh đạo khi lên chiến lược, họ nghĩ rằng “tôi muốn trở thành số một trong ngành của mình, tôi muốn có thị phần lớn nhất …”. Nhưng đó là mục tiêu, nhưng chiến lược lại khác.

“Đánh đổi” trong chiến lược

Một trong các yếu tố giúp xác định chiến lược tốt của công ty, theo giáo sư Michael Porter, là sự đánh đổi rõ ràng, xác định điều gì không làm.

Ông nêu ví dụ về Nespresso, một công ty hàng đầu thế giới về cung cấp các sản phẩm cà phê cao cấp Nestle. Theo đuổi mục tiêu cung cấp cà phê espresso chất lượng cao, dành cho người tiêu dùng và giới văn phòng, công ty này đã “mạnh dạn” loại bỏ thị phần dành cho khách hàng có nhu cầu giá thấp. Đồng thời, hãng này cũng chỉ bán hàng trực tuyến hoặc tại 200 cửa hàng cà phê tại các thành phố lớn, chứ không phân phối đại trà tại các cửa hàng thực phẩm thông thường

Chiến lược là lợi thế cạnh tranh, điều cho phép một công ty trở thành thứ nhất, thứ hai, thứ ba hay bất kỳ mục tiêu nào mà chúng ta nghĩ tới.

“Chúng ta cần phân biệt rõ ràng chiến lược với mục tiêu”, ông nói.

Thứ hai là cần phân biệt rõ chiến lược với bất kỳ bước đi hành động nào mà chúng ta có thể thực hiện. “Tôi nghe các nhà lãnh đạo nói suốt rằng, công ty của họ muốn trở nên quốc tế hơn, muốn trở nên cạnh tranh hơn. Nhưng đó cũng không phải là chiến lược”. Đó là một bước thực hiện chiến lược.

Chiến lược là vị trí độc nhất mà bạn muốn chiếm giữ. Mua bán sáp nhập hay outsourcing… là những bước thực hiện để đưa chúng ta tới nơi mình muốn tới, là vị trí mà ta muốn có trên thị trường, chiến lược không phải là các bước đi cụ thể.

Cuối cùng, chiến lược không phải là tầm nhìn (vision). Tầm nhìn rất rộng, nhiều mục đích về lợi ích dài hạn công ty đem lại cho xã hội. Các tuyên bố về tầm nhìn đều hay nhưng không phải là chiến lược.

Chiến lược là điều rất cụ thể, về việc chúng ta cần đáp ứng được nhu cầu gì, khách hàng nào trong kinh doanh, ai mà chúng ta muốn phục vụ, làm sao phục vụ họ tốt hơn? “Chiến lược là vị thế tổng thể mà công ty muốn chiếm giữ trong kinh doanh của mình, mà cần có lợi thế cạnh tranh, nếu không có lợi thế cạnh tranh thì không có ai thành công” ông nói.

Sai lầm của các công ty ở Việt Nam

Theo giáo sư Michael Porter, điểm bắt đầu để thiết lập chiến lược là có mục tiêu tài chính rõ ràng, tạo nên giá trị kinh tế thực sự. Do đó, các công ty cần đặt khả năng sinh lời làm mục tiêu đầu tiên, chứ không phải tăng trưởng, tăng trưởng chỉ nên là mục tiêu thứ hai.

“Có nhiều công ty ở Việt Nam rơi vào cái bẫy này. Họ quá phấn khích với tăng trưởng nhưng không tạo nên khả năng sinh lời. Họ coi tăng trưởng là mục tiêu số một và coi khả năng sinh lời là cái theo sau, là điều mà họ có thể đợi, đó là sai lầm”.

Giáo sư cũng lưu ý: “Nếu bạn không tạo ra lợi nhuận, thì bạn không thể thành công trên con đường dài, nếu bạn không tạo ra lợi nhuận thì bạn không có giá trị cạnh tranh”.

Bên cạnh đó, giáo sư Porter cũng nhận xét, hiện nay Việt Nam chưa có một thống kê nào về khả năng sinh lời của các ngành. Trong khi đó, phân tích cấu trúc ngành (ngành nào có tốt, khả năng cạnh tranh, khả năng sinh lời…) là một nguyên tắc cơ bản mà lãnh đạo các công ty cần phải hiểu, “Nếu không các bạn sẽ như đi trong bóng tối, chẳng biết làm sao để cạnh tranh”, ông nói.

Giáo sư bày tỏ mong muốn lần tới đến Việt Nam, ông sẽ mang theo bảng xếp hạng khả năng sinh lời của các ngành cho các doanh nghiệp, vì sự xếp hạng này ở mỗi nước khác nhau. Lúc đó, các công ty ở Việt Nam có thể tìm ra được vị trí của mình sau khi có cơ sở phân tích ngành.

Việt Anh (ghi)

http://sgtt.vn/Kinh-te/133682/%E2%80%9CMuon-tro-thanh-cong-ty-tot-nhat-la-mot-sai-lam%E2%80%9D.html

"Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe"

NHỮNG CÂU NÓI RẤT HAY (cont)

"Nếu cộng nghiệp của gần 90 triệu dân Việt đã đến lúc ngẩng đầu với thiên hạ thì các quan phụ mẫu sẽ sáng suốt chọn một con đường đúng cho cộng nghiệp.

2. Ngược lại, nếu công nghiệp của gần 90 triệu dân việt vẫn còn trong tăm tối thì hậu vận sẽ còn điêu linh trong đói nghèo và có thể có những điều xấu đang chờ đón cả 2 bên gồm các cá nghiệp cầm quyền và cộng nghiệp của tòan dân tộc.

Nhìn như thế để có cuộc sống thanh thản hơn. Không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới này có vùng đất và con người được sống làm người từ khi mới lọt lòng đến ngày nhắm mắt. Và có những con người và vùng đất không được làm người từ khi chào đười đến lúc qua đời. tất cả đều là nhân quả trả vay.

Các bạn trẻ có tài năng cần tìm cho mình một tương lai sáng lạng bằng tài năng của mình. Không lý do gì phải tức giận và phung phí thời gian của đời mình vào chuyện vô bổ. Vì cuộc đời một con người rất dài khi không biết tận dụng hết những gì mình có, nhưng cũng rất ngắn khi biết sữ dụng hết quỹ thời gian mình còn sống trênb đời. Như tôi bây giờ luôn cảm thấy mình không có thời gian để sống và làm việc có ích cho đời".

(BS. Hồ Hải)

HỢM HĨNH hay GIỚI TRUYỀN THÔNG MẤT PHƯƠNG HƯỚNG


Có entry này vì đúng là câu chuyện thời sự viết ra đây đúng nghĩa hợm hĩnh trong cái chung và cái riêng diễn tiến một cách bất thường giữa cuộc đời rất bình thường, chứ không vì chuyện riêng tư. Hơm hĩnh vì cũng như bao nhiêu câu chuyện đời thường khác của một công chức thôi việc, không hơn không kém, nhưng được đẩy lên thành một cao trào. Hợm hĩnh vì qua câu chuyện này cho chúng ta thấy được một hệ thống truyền thông mất phương hướng thì từ một câu chuyện bình thường cũng trở nên sự kiện tốn giấy mực. Hơm hĩnh vì về nhân tướng học tôi không cho rằng người trong cuộc lại đức trọng, tài cao như truyền thông tô vẽ. Hợm hĩnh vì đã là đường đường có học vị cao nhất ở trời Nga, và đã ngũ thập tri thiên mệnh, nhưng người trong cuộc mới vỡ lẽ một cách cay cú cảnh cá chậu chim lồng qua một bài thơ:

CÓ MỘT NGÀY
Có một ngày
Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi
Đất cằn hơn và bãi rộng hơn
Có một ngày
Không vui sướng cũng không ngần ngại
Tôi rẽ vào ngả đời
Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn!
Tết này có ai cho rượu ngoại?
Càng thấu tình men lá rượu ngô trong
Xuân này thôi họp hành lễ lạt
Cha dắt con đi chơi non biếc nắng hồng
Giờ như bao chú cô bác khác
Cha loay hoay tìm việc để nuôi con
Chút gian khó CỦA đời cha sẽ nếm
Để gần hơn bao thân phận mất còn!
Trần Đăng Tuấn - Hà Nội, 3/11/2010

Ô hay, cây ra khỏi chậu kiểng là cây có thể thấy đất dưới chân mình rộng, sâu chắc? Càng hơm hĩnh hơn hôm nay người trong cuộc lại lên truyền thông đại chúng để nói một lần duy nhất về việc rời VTV! Ô hay thế từ 2 tháng nay "cây kiểng" không nói gì? Nhưng khi làm cú gúc với keyword: Trần Đăng Tuấn từ chức, chỉ trong 19% giây đã có đến 8.140.000 lượt đưa tin cơ đấy! Rõ chẳng bõ bèn cho một người xin thôi việc có tâm nhỉ?

Xin thưa: Có mợ hay không có mợ thì chợ vẫn đông! Đặc biệt cái chợ này lắm thức ăn cho sâu mọt.

Con người là gì vậy? Tựu trung cũng chỉ là cục đất. Nếu đám đông vô thức được định hướng tung hê thì có thể đúc tượng đặt lên bàn để thờ. Nhưng nếu bị đám đông vô thức định hướng ngược lại thì, có thể nặn thành cái lavabo có khác gì?

Thiết nghĩ, ở xã hội Việt Nam ngày nay không thiếu người tài thực sự. Những người tài thực sự nếu chọn kiếp làm thuê họ đã biết từ bỏ "chậu cảnh" để ra "đất bãi" từ khi là kinh tế thị trường hoang dã với đồng lương ngất trời. Còn nếu thực sự là tài năng mà, chọn kiếp làm chủ họ cũng đã từ bỏ "thế giới vàng" rất sớm để ung dung tự tại sống bằng sức lực thực sự của mình. Không cứ gì phải đợi mãi ngũ thập tri thiên mệnh và mãi hơn 20 năm cỡi trói mới "tri chuyện cây kiểng, cây hoang".

Và thực sự có gì hay trong câu chuyện của một công chức rời chỗ làm việc này sang chỗ làm việc khác mà phải ầm ĩ lên thế kia? Có phải vì nền truyền thông mất phương hướng như chuyện VTV của ông Tuấn đem cháu Vàng Anh Hoàng Thuỳ Linh lên chiếm thời lượng phát sóng gần cả giờ đồng hồ nói nhăn, nói cuội để định hướng cho lớp trẻ làm gương?


Đúng là hợm hĩnh ở một nơi mà truyền thông không còn thực hiện vai trò chân chính. Với truyền thông đại chúng như thế này thì hy vọng gì có những thế hệ đủ tầm tiếp nối, kế thừa lo toan cho quốc gia dân tộc?

Quê tôi có câu tục ngữ rất hay: "Trời suy, quỷ lộng/ Đất động, chó tru". Nghĩ mà thấm thía cái sự đời.

Asia Clinic, 17h42', ngày thứ Hai, 29/11/2010

http://bshohai.blogspot.com/

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Công việc của chính trị

Đăng lại bài trên Tia Sáng của tác giả Hoàng Hồng Minh, em họ Cụ Hinh.

Đi một vòng thế giới, bạn sẽ thấy ra rằng người nước Pháp là những nhà vô địch về sử dụng thẻ trả tiền.
Vào siêu thị, qua cửa trả vé đường cao tốc, thanh toán tiền đỗ xe… việc trả tiền tự động bằng thẻ trở thành đại trà. Có khi chỉ để trả mấy chục xu.

Bạn đi qua nước Đức, đa phần người ta rút tiền và tiêu tiền mặt.

Bạn đi qua nước Mỹ, đoàn ôtô rồng rắn chờ để trả tiền qua cầu, rất rẻ nhưng rất lâu.

Còn ở ta có khi lấy xích-lô chở tiền để đi mua nhà!

Người Pháp thông minh hơn chăng?

Câu chuyện là thế này.

Khi trả tiền bằng thẻ, có một khoản chi phí cho việc này.

Ở Đức, người dùng thẻ phải trả một phần cho khoản này. Chả ai dại gì mất tiền.

Còn ở Pháp, Nhà nước quy định người dùng thẻ không phải trả chi phí cho việc dùng thẻ, mà người bán phải chịu. Mà người trả tiền luôn luôn là Thượng đế!

Các cửa hàng nhỏ bán lẻ thì ngán chuyện dùng thẻ, bắt người ta phải mua từ mười Euro gì đó thì mới nhận trả bằng thẻ. Còn các cửa hàng lớn thì họ không chấp, 1 xu cũng xong. Và nếu chẳng may bạn đổi ý trả lại hàng thì họ quệt thẻ bạn và tiền của cửa hàng chảy ngược luôn vào tài khoản của bạn, có khi còn trước khi tiền bạn mua hàng chảy ra khỏi tài khoản bạn nữa!

Công việc của chính trị là vậy.

Không phải là săm soi, là lên lớp khản giọng, là cầm tay chỉ việc.

Mà là đưa ra những quyết sách hướng dòng chảy của đời sống sao cho thuận lợi cho toàn bộ cộng đồng.

Chính trị không làm việc đó, ai làm?

Hãy lấy câu chuyện cái xe máy hôm nay chẳng hạn, và xem vấn đề chính trị của nó ra sao.

Xe máy rất hợp với xứ ta: rẻ, cơ động, dễ sử dụng, chiếm ít không gian.

Ngược lại, xứ ta đô thị hóa nghẹt thở, phi quy hoạch, phi lộ trình, với toàn bộ tính bừa bãi ngông nghênh vô kỉ luật. Thành phố chỉ là cái chợ thật to để người ta chen chúc, đi ẩu, vứt rác, thải tiếng ồn.

Một chiếc xe máy nhỏ bình thường, trong trạng thái tốt, thải ra một lượng khí thải độc hại ô nhiễm gấp bốn lần một chiếc ôtô con trong trạng thái bình thường, theo đo lường của các nhà môi trường.

Vì sao? Rất đơn giản. Vì xe máy không có bộ lọc khí thải. Còn ôtô thì bắt buộc phải có.

Tiếng ồn cũng vậy, chắc phải hơn 4 lần so với một chiếc ôtô con.

Bây giờ đèn đỏ, bạn đứng đó, hãy nhân số lượng xe máy quanh bạn lên làm 4 lần, bạn có một mức ô nhiễm tương đương hàng trăm, hàng nghìn chiếc ôtô quanh bạn.

Xe pháo ở ta lại còn ở mức chất lượng bất chấp, hệ số ô nhiễm chắc phải cao gấp đôi gấp bốn thêm nữa, hoặc hơn cả thế.

Rồi tiếng ồn đinh tai.

Rồi còi pháo toe toét, rú ga để khoe chủ nhân ông, để thách đố xung quanh.

Hãy coi chừng nếu bạn ngạt thở té lăn luôn ra đó.

Cái sự tình này, nền chính trị có trách nhiệm phải tham gia mạnh mẽ.

Rộng lớn, đó là công việc phi tập trung hóa các đô thị lớn, tạo ra nhiều vùng trung tâm dân cư liên đới tương đối hoàn chỉnh về ăn ở, sinh hoạt, giao thông, hành chính, trường học, bệnh viện, giải trí. Các trung tâm này phải có chất lượng cao thì mới giãn được dân. Chất lượng thật cao đồng bộ là tốt nhất, kéo những tầng lớp khá giả hơn đi tiên phong vẫn dễ hơn.

Phải khoanh những vùng ven đô rộng lớn thành những khu rừng, công viên vĩ đại, lá phổi của người thành phố. Không có quyết sách chính trị, thành phố sẽ phát triển theo nguyên tắc bệnh ung thư tràn khắp, không một mảng trống nào có thể tồn tại lại được.

Rồi phải có hệ thống giao thông công cộng thật thuận lợi với nhiều ưu tiên, được Nhà nước bù lỗ cho các tuyến mới. Các phương tiện này phải chạy theo nguyên tắc sạch, dùng điện hoặc gas.

Rồi hệ thống đường xá chuẩn quy.

Đó mới là môi trường cho giao thông.

Còn bản thân các xe máy?

Phải có lộ trình với người sử dụng và các nhà sản xuất.

Ví dụ lên lộ trình đến 10 năm tới, xe máy phải có bộ lọc đạt độ chuẩn về khí thải, độ chuẩn về mức tiếng ồn mới được phép lưu hành. Cuộc đàm phán với các nhà sản xuất và phân phối xe máy đã phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Các xe máy, ôtô phải bị kiểm tra định kì và bất thường, và bị phạt hoặc cấm lưu thông khi độ ô nhiễm và độ ồn quá chuẩn.

Còi xe máy hoàn toàn có thể bị cấm trong thành phố.

Nhiều tuyến phố trung tâm chỉ cho đi bộ, hoặc thêm xe đạp.

Một số tuyến chỉ có người có địa chỉ nhà ở đó mới được phép chạy xe máy, chạy ôtô vào. Việc này thực hiện qua tem dán cho phép trên xe.

Chuyện xa xôi? Không có gì xa xôi cả.

Và ngay hôm nay đã có thể làm được ngay bao nhiêu việc.

Tỉ như sáng sớm ra người ta cần tập thể dục quanh các hồ, quảng trường công cộng.

Vậy thì hãy cấm sử dụng xe máy, ôtô tại các khu vực đó từ 5:00 giờ đến 6:30 sáng chẳng hạn.

Công việc của chính trị là ở ngay đó.

Chính trị là cái công việc đo đạc, nghe ngóng, suy tính các giải pháp rộng lớn cho đời sống công cộng, cho hằng ngày, và cho dài lâu.

Chính trị không thể bị tê liệt.

Và càng không thể bị nhầm việc.

Lời than vãn của một phóng viên

09-11-2010 12:59

Mấy hôm nay tôi đang phải tự nhìn lại, xem mình có đang khe khắt, đòi hỏi cao quá ở nền báo chí nước nhà không - trong khi tôi không hề ở cương vị lãnh đạo, quản lý, và do vậy chả có tí tư cách nào để nghiêm khắc đối với lực lượng chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng cả.

Sau vài buổi suy nghĩ, đến hôm nay thì tôi chính thức thừa nhận: rõ ràng là nhiều người trong chúng ta, trong đó có tôi, đòi hỏi quá cao ở báo chí, và nhất là đang giữ một cái nhìn hết sức bi quan. Thật chẳng nên chút nào. Cái này nhà văn Nam Cao nói từ lâu rồi: “Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản”.

Tất nhiên là điều gì cũng có lý do của nó. Vừa rồi tôi có may mắn được tham dự một hội nghị quốc tế rất lớn ở Việt Nam, với tư cách phóng viên. Phải nói là cứ mỗi lần sánh vai cùng các phóng viên nước ngoài, nhất là phương Tây, trong các sự kiện như thế này, là một lần mặc cảm tự ti trong tôi lại trỗi dậy bừng bừng.

Không tự ti làm sao được khi mà, các bạn cứ tưởng tượng, tại mỗi cuộc phỏng vấn (ở họp báo chính thức hay là “quây đánh úp” bên lề, ngoài hành lang, xó xỉnh nào đó), có một hiện tượng phổ biến thế này: Phóng viên Tây tranh thủ hỏi nhân vật tất cả những gì mà họ có thể hỏi được, từ tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biển xyz, vấn đề lạm phát ở nước này, tới bầu cử ở nước kia, nhân quyền ở nước kia nữa, quan điểm của nước nọ về những chuyện như thế v.v., tóm lại là chúng tận dụng cơ hội để moi đủ thông tin từ nhân vật, “dùng như phá”. Trong khi ấy, phóng viên ta nói chung (vâng, “nói chung” thôi ạ, nghĩa là cũng có những ngoại lệ) thường ưa thích hỏi các câu như là: “Ông/ Bà đánh giá thế nào về vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm qua?”. Có trường hợp, một học giả nước ngoài đang trả lời phỏng vấn về các vấn đề chính trị khu vực và thế giới, một phóng viên của ta chĩa micro vào hỏi: “What do you think of Vietnamese ladies?” (Ông nghĩ gì về phụ nữ Việt Nam?). Ông học giả tí nữa tụt huyết áp.

Một lần bí nhân vật quá, tôi đè phóng viên Tây ra hỏi:

- Ông đánh giá thế nào về vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm qua?

Hắn nhìn tôi, khủng khỉnh:

- Đã bao giờ các bạn không thành công chưa?

Tôi phải điều chỉnh lại hắn ngay, không thể chấp nhận thái độ ấy và sự sai lệch về nhận thức ấy.

- Không phải thế. Chúng tôi có thất bại chứ. Nhưng thất bại luôn là tạm thời.

Hắn gật đầu:

- Đúng vậy. Và cuối cùng các bạn luôn chiến thắng.

Tôi bỏ qua cho hắn. Tuy nhiên tại các cuộc phỏng vấn, những câu hỏi kiểu “ông/ bà đánh giá thế nào về…/ nghĩ gì về…” vẫn luôn vang lên.

Tất nhiên là tôi muốn tìm kiếm những câu hỏi khác, hay hơn, thú vị hơn, đa dạng hơn, sâu sắc hơn, nhất là khi một nhân vật nổi tiếng trên chính trường thế giới đã có mặt tại Việt Nam: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Chúng tôi thảy đều muốn tranh thủ cơ hội nhiều năm có một này để hỏi bà ngoại trưởng nhiều câu giá trị. Nhưng mà, nhưng mà, nhưng mà… đến đây mới kinh hoàng nhận thấy là… không hiểu người khác thế nào, chứ tôi chẳng biết hỏi bà cái gì cả.

Trước giờ họp báo, trong lòng hoang mang lo sợ, tôi thì thào trao đổi với một vài phóng viên khác và được biết là mọi người đều có chung tình trạng đó với tôi: chẳng biết hỏi Hillary cái gì. Mà kể ra cũng khó thật. Hàng trăm phóng viên đến từ hàng chục, hàng trăm cơ quan báo đài trong nước và nước ngoài, xúm xít cả vào một cuộc họp báo không đầy một giờ đồng hồ, hỏi thế nào được, hỏi gì mà hỏi.

Nhưng một thực tế đáng báo động, không thể chối cãi, là, khi chúng tôi ngồi tưởng tượng với nhau: “Giả sử cho mày được ngồi cùng với bà Hillary Clinton, một mình mày thôi, và một mình bà ấy, trong một căn phòng, khoảng hai tiếng đồng hồ, thích hỏi gì thì hỏi, báo đăng tuốt. Mày sẽ hỏi bà ấy những gì?”. Chúng tôi đều tịt mít.

Đã tưởng tượng thì tưởng tượng luôn thể. Khi nhà báo không biết hỏi gì thì hãy tìm đến những người mà nhà báo luôn phải dựa vào, những người mà vì họ, nhà báo phục vụ: độc giả. Tôi nói với các bạn rằng, nếu bí quá, trước khi vào phòng phỏng vấn, tôi sẽ ra đường gặp một vài khán giả để nhờ họ gợi ý.

Tôi nghĩ tôi sẽ ra ngoài đường, gặp một thanh niên, cái cậu tóc nhuộm vàng xuộm, vừa ngồi ở quán game online ấy. Khiếp, người đâu mà tay chân cứ gọi là nhoay nhoáy, mình đứng sau lưng cậu ta ngó vào màn hình mà hoa hết cả mắt. “Địt… địt…” - cậu vừa nhấn chuột, vừa nhấn mạnh tiếng ấy từ trong mũi. Chờ mãi cậu ta mới ra ngoài đường. Tôi sẽ vội vã chặn cậu lại, hỏi cậu quan tâm, muốn biết điều gì về Hillary Clinton, và tôi sẽ đặt câu hỏi với bà ấy, một lát nữa đây.

Cậu thanh niên hẳn là sẽ đứng đực, trợn mắt nhìn tôi hoa chân múa tay, giải thích đi giải thích lại. Rồi cậu bỏ đi sau hai từ cộc lốc:

- Đéo biết.

Hỏng. Cháy vở. Tôi lắc đầu, quyết định phải tìm người khác. Tôi sẽ ra đường, chờ một toán nhân viên đi ra từ một công sở lịch sự nào đó. Nhân viên văn phòng chắc hẳn là tao nhã hơn, hiểu biết hơn. À, đây, kia rồi, mau mau…

Một toán thanh nữ và phụ nữ xuất hiện trên hè phố. Tôi sẽ vội vã bám theo họ, làm thân với một chị có vẻ mặt hiền lành nhất trong số họ, năn nỉ, nhờ vả chị vận động cả nhóm giúp.

Chị ấy sẽ đỏ mặt lên, rồi bảo: “Thôi, chị chả biết hỏi gì đâu”.

“Thì chị cứ cố đi mà. Chị giúp em. Chị thích biết cái gì ở Hillary Clinton?”.



“Thì… bà ấy có xinh không?”

“Ơ… em không biết, em chưa gặp mà. Chắc cũng giống như trên ti-vi”.

“Hỏi xem bà ấy hay mặc đồ gì?” – một chị nói chen vào.

“Không, hỏi bà ấy nghĩ gì về tà áo dài Việt Nam ấy” – một chị khác, mạnh dạn hơn.

“Nhanh gọn nhất là hỏi xem một ngày của bà ấy như thế nào” – một chị khác nữa, đặt câu hỏi có vẻ báo chí nhất.

Ừ, kể cũng hay. Nhưng mà… chưa đủ. Hỏi thế thì dễ quá, các báo khác tranh cướp hết phần mất.

“Tiếp đi chị, nữa đi chị” – tôi năn nỉ.

Bây giờ chúng tôi đã có vẻ thân nhau hơn. Các chị gợi ý cho tôi hỏi thêm nhiều, ví dụ Hilary nghĩ gì về Việt Nam, về món phở Việt, ấn tượng đầu tiên của bà ấy khi đặt chân đến đây, v.v. Nhưng có vẻ vẫn thiêu thiếu, vẫn chưa đi đúng trọng tâm…

“Hay là hỏi xem một tuần bà ấy “làm nhau” với chồng mấy lần, há há há…” – các chị cười rú lên.
.....

Thế này thì dùng thế nào được. Tôi quyết định tìm tới nhà một học giả.

“Hỏi xem quan điểm của Mỹ về Trung Quốc. Hỏi xem Mỹ có định sử dụng Việt Nam để cân bằng quyền lực và ảnh hưởng ở Đông Nam Á, làm bàn đạp chống Trung Quốc không…”.

Chết. Chết dở. Tôi chắp tay lạy: “Bác, bác bình tĩnh. Bác xem thế nào chứ đặt câu hỏi thế thì bài cháu làm sao mà đăng được”.

“Kìa, thế sao mày bảo cứ hỏi thoải mái, thích hỏi gì thì hỏi, đăng tuốt?”.

À nhỉ, tôi quên. Đề bài ra điều kiện là “thích hỏi gì thì hỏi, đăng tuốt” mà. Quán tính của cuộc đời bị buộc dây khiến người ta dù được cởi trói rồi mà vẫn cảm thấy vương vướng… Tôi vừa đưa tay xoa cổ, vừa nói với bác: “Vâng, cháu quên mất. Bác cứ tiếp tục đi ạ”.

“Hỏi xem Mỹ nghĩ thế nào về chính sách tỷ giá, tài nguyên môi trường của Trung Quốc. Địa vị của Trung Quốc đã, đang và sẽ thay đổi như thế nào và ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam? Mỹ dự đoán quan hệ Việt-Trung sẽ ra sao…”.

“Ấy, bác ơi” - tôi khổ sở - chúng ta đang nói về Mỹ cơ mà”.

“Thì đấy, hỏi về Mỹ thì đấy, những vấn đề liên quan tới Trung Quốc bây giờ là quan trọng nhất. Trung Quốc là một siêu cường đang nổi lên, đóng một vai trò ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới… blah blah blah….”.

Tôi ra về, chẳng thu được gì.

Đấy, các bạn, nhiều bạn cứ chê báo chí, cứ mắng phóng viên ngu dốt. Tôi chả dám cãi. Nhưng mà các bạn có khi nào thông cảm với bi kịch của chúng tôi không: Thật tình là bây giờ nếu có được tự do đặt câu hỏi và chọn đề tài để viết, chúng tôi cũng chả biết hỏi gì viết gì ấy chứ, và sau đó thì biết độc giả nào sẽ đọc?

“Ở lâu trong cái khổ, Mỵ quen khổ rồi”.

http://www.vietinfo.cz/cung-suy-ngam/loi-than-van-cua-mot-phong-vien-.html

Chuyện buồn vui của mối tình khác chủng tộc… tại Úc


06/05/2010 - 15:48 Kiều Chi (Bay Vút)

Do đâu có các cuộc hôn nhân khác chủng tộc? Có phải chỉ những ông Úc ế vợ mới đi Việt Nam tìm người nâng khăn sửa túi? Liệu đàn ông Úc có thích lấy phụ nữ Châu Á? Tình trạng phân biệt hôn nhân khác màu da ở Úc có nặng không và làm thế nào để sống hạnh phúc hơn?

Tính tình hợp nhau là điều quan trọng hơn cả cho các cặp tình nhân hay các cuộc hôn nhân khác chủng tộc. ( www.sxc.hu: Anka Zolnierzak)
Yến Dung là cô gái người Việt sống ở Sydney. Sang Úc từ năm ba tuổi, cô coi mình như người Úc thứ thiệt. Năm ngoái cô kết hôn với Michael, một trí thức Úc da trắng, tính tình điềm đạm. Họ sống khá hạnh phúc bên nhau. Chỉ khổ một nỗi là mỗi khi đến khu phố người Việt như Bankstown, Cabramatta, người đời nhìn Dung với ánh mắt hiếu kỳ. Viết trên báo Sydney Morning Herald tuần qua, Yến Dung kể lại: “Nhiều người gặp tôi cứ nghĩ tôi mới chân ướt chân ráo từ Việt Nam qua và chấp nhận lấy chồng ‘già’ để được visa vào Úc. Tôi buồn vô cùng vì mình sống ở Sydney cả 30 năm rồi.”

Còn trong cộng đồng người Úc, hơn hai năm đi cạnh chồng, cô nghe những lời xầm xì như: “Trông cô chẳng giống người Việt chút nào. Lai Tàu phải không?” hay “Người Châu Á cày suốt ngày như trâu. Nghỉ ngơi một chút đi, sống nhẹ nhàng thôi”. Và các phát biểu khác đau điếng hơn, kiểu: “Tại sao gái Việt lại lấy chồng Úc da trắng? Bộ hết đàn ông Việt rồi hả?”

Câu chuyện của Yến Dung đặt ra nhiều suy nghĩ. Do đâu có các cuộc hôn nhân khác chủng tộc? Có phải chỉ những ông Úc ế vợ mới đi Việt Nam tìm người nâng khăn sửa túi? Liệu đàn ông Úc có thích lấy phụ nữ Châu Á? Hay do các ‘mợ nhà ta’ tấn tới? Tình trạng phân biệt hôn nhân khác màu da ở Úc có nặng không và làm thế nào để sống hạnh phúc hơn? Bài viết tổng hợp các ý kiến từ những lá thư ‘dốc bầu tâm sự’ của các nam nữ độc giả lập gia đình với người khác chủng tộc’ đăng trên báo Sydney Morning Herald.

Trai Việt khó kiếm gái Úc?
Tony Fernandez giới thiệu anh là người Philippines và sang Úc từ năm 2 tuổi. Fernandez không gặp bất cứ vấn đề gì khi ‘cặp’ với phụ nữ gốc Âu. Hiện nay anh đang sống với người bạn gái Úc, da trắng, nhà ở vùng Bắc Sydney. Ban đầu anh hơi ngập ngừng khi gặp gia đình của cô ta. Tuy nhiên, mọi việc sau đó cũng ổn. Tony kể: “Khi ra ngoài đường, chúng tôi không gặp phải thành kiến hay sự phân biệt nào. Nếu ai đó ‘dòm ngó’ chàng trai gốc Á dắt tay cô gái Châu Âu, tôi cho rằng đó là do sự hiếu kỳ hơn là do thành kiến”. Theo anh, trong nhiều trường hợp sự tự tin quan trọng hơn màu da. Người ta hay nói câu tình yêu làm mờ con mắt và có phải khi yêu nhau say đắm người ta quên tất cả?

Michael Hoàng Vũ là người gốc Sài Gòn. Vũ sang Úc khi mới 5 tuổi. Từ trước đến giờ anh chỉ quen với con gái Tây. Hiện nay vợ chưa cưới của anh là người Úc tóc vàng da trắng, còn bạn gái cũ của anh là người gốc Ý. Lý do con trai Châu Á ít tìm được bạn gái Úc, theo Michael, là do các chàng da vàng hay có cảm giác mặc cảm. “Nếu cứ tự ti như vậy thì con trai Châu Á không bao giờ được đàn bà để ý cả”, chàng thanh niên gốc Việt 27 tuổi nói. Anh cho biết các bạn Úc nhận xét về con trai Tàu/Việt như sau: thứ nhất, trai gốc Á nhìn dễ thương, hoàn toàn có thể quen được, nếu có trở ngại nào đó thì theo họ là do đàn ông gốc Á không bao giờ bỏ thời gian đi ‘tán’ gái Úc da trắng; thứ hai, một số chàng không được tự tin cho lắm. Michael nói thêm kinh nghiệm của anh cho thấy những người đàn ông gốc Á mới sang Úc, tiếng Anh không tốt, thì sẽ khó tiếp cận con gái Úc hơn.

Cùng chủ đề về trai da vàng kiếm bạn gái khác màu da, Bary Tran, độc giả sống ở Balmain, chia sẻ: “Hãy năng động hơn và luyện tập thể dục (gym) thường xuyên. Để làm gì? Để cho cơ thể và cơ bắp phổng phao hơn”. Theo Bary, phụ nữ nói chung không muốn người bạn trai nhỏ hay nhẹ ký hơn họ; bạn không nên có thái độ thụ động mà cứ mạnh dạn mời phụ nữ da trắng đi chơi tối, nếu sự việc không thành thì bạn chỉ bị quê mặt có năm phút thôi, còn nếu bén rễ thì mọi thứ đều có thể xảy ra; nhớ là tìm chủ đề nói chuyện cho hay như phim ảnh, địa ốc hay du lịch chứ đừng kể chuyện… pokemon hay bánh chưng, bánh giò nhé!”.

Cũng có trường hợp phụ nữ Tàu cặp với đàn ông Úc bị người đời phân biệt. Cindy Chow, cô gái Tàu gốc Hồng Kông, là trường hợp như vậy. Hiện cô đang quen với một người đàn ông Úc da trắng. Theo cô, tính tình hợp nhau là điều quan trọng hơn cả cho các cặp tình nhân hay các cuộc hôn nhân khác chủng tộc. Dù sự hấp dẫn ban đầu đến từ vẻ đẹp bên ngoài nhưng theo thời gian thì cá tính mới là điều quan trọng và gắn bó hai người với nhau. Tuy nhiên, trong một lần dạo phố, cô nghe thấy một người Úc trung niên lẩm bẩm nói với bạn trai cô: “Này, ông nên chích vắc-xin đi kẻo bị nhiễm ‘virus asian’ đấy!”. Cindy coi đó là thái độ phân biệt người Châu Á nặng nhất mà cô từng gặp. Cô tự hỏi, chẳng lẽ nước Úc ngày nay vẫn còn những người lạc hậu thế sao?

Phụ nữ Châu Ádễ bảo?
James Spark là người Úc da trắng đã từng sống ở Trung Quốc tám năm. Qua giao tiếp với người Tàu, ông cho rằng mình khá hiểu về phụ nữ Á Châu. Theo anh, các cô gái trẻ gốc Á hiện giờ ‘ghê ghớm’ không khác gì con gái Úc da trắng: ăn mặc thì hở hang, nói năng thì bạo miệng, cãi chồng hay bạn trai đến nơi đến chốn. “Không tin thì cứ thử ra phố Tàu… ở Sydney là biết ngay”, James nói. “Gái Tàu ngày nay không dễ bảo hay ngoan ngoãn như cung tần mỹ nữ đâu. Một số cô có tính đòi hỏi, bướng bỉnh, khi không được chiều như ý thì sẵn sàng nổi nóng. Nhiều cô không biết nấu ăn mà cũng chẳng biết giặt đồ, sống như người Tây vậy. Cô bạn Tàu đang sống với tôi trong bốn năm qua không một lần nấu ăn hay giặt ủi cho tôi.”

Điều đáng buồn theo James đó là rất nhiều đàn ông da trắng tìm vợ Tàu để được ‘chiều’ và ‘hầu hạ’. Thế nhưng, cuối cùng họ lại phải bỏ ra khá nhiều tiền để săn sóc một bà ‘vương phi’ tốn kém. “Bước sang tuổi 50, những ông này trở nên khô khan và cục cằn, đó là hậu quả của nhiều năm phục dịch một cô vợ ‘đòi hỏi’. Trái ngược với suy nghĩ của một số người cho rằng phụ nữ Châu Á không ‘xuống cấp’ nhanh vì khổ người nhỏ hay cơ thể không bị ‘chảy’ như phụ nữ Úc, James cho rằng các bà ‘mợ’ Tàu vào tuổi 50 cũng ‘bùng nhùng’ lắm.

Agarat Bansong là cô gái Thái Lan sống ở Úc từ năm 4 tuổi. Agarat thừa nhận từ lúc đi học cho đến khi đi làm, cô không gặp nhiều con trai gốc Á. Cuối cùng, cô chỉ cặp với đàn ông Châu Âu, những người thường hơn cô 10 tuổi. Là người da vàng theo lối sống Úc, Aggarat nói cô thích cặp với đàn ông Úc, càng lớn tuổi càng tốt. Khi ra đường lúc hai người nắm tay nhau, dân tình đôi khi lườm nguýt. Thậm chí có người cho rằng ông người Úc lên Internet kiếm vợ và đưa từ Thái Lan qua. “Tôi thấy đàn bà da trắng hay để ý, cái nhìn của họ hơi ghen tuông một chút”, Agarat nói. “Tuy nhiên tôi làm ngơ, hơi đâu mà để ý đến họ”. Quan trọng nhất theo cô là tính cách hai người có hợp nhau hay không, còn lại nếu ai đó không vui hoặc có thái độ phân biệt thì đó là vấn đề của họ.

Ozzie Boy Hùng kể về kinh nghiệm mà anh quan sát được từ các cuộc hôn nhân khác chủng tộc, kiểu chồng Tây vợ Việt. Theo anh, phần lớn đàn ông Tây khi kiếm được cô vợ Châu Á đều cho rằng họ ‘vớ được món hời’. Hùng nói thêm anh đã từng quen với phụ nữ người Việt, rồi người Úc và họ đều là những người có cá tính hay. Nếu được, anh cũng muốn ‘cặp’ với Lara Bingle, một người mẫu hàng đầu của nước Úc hiện nay. Hùng viết: “Trong quan hệ nam nữ, sắc tộc không quan trọng. Quan trọng là cách nói chuyện, sự cảm mến nhau, dù khác biệt về văn hóa hay ngôn ngữ đôi khi tạo ra ngăn cách. Tại Úc, đàn ông di dân Châu Á gặp khó khăn trong việc kiếm vợ, trong khi phụ nữ thì có nhiều sự lựa chọn hơn.”

Elizabeth Hales, cô gái Úc từ Sydney, than phiền không hiểu sao đàn ông Úc (một số ông thôi) lại quen với mấy bà di dân xấu hoắc! Theo cô phụ nữ Tàu cần quen với đàn ông Tàu, hoặc đàn ông Việt thì nên quen với phụ nữ Việt. Như vậy, họ sẽ không gặp trở ngại gì về ngôn ngữ. Nếu như họ sống với người khác văn hóa và chủng tộc thì làm sao hiểu được sự tinh tế về ngôn ngữ và những cử chỉ tế nhị trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Elizabeth gọi các mối tình ‘chồng Úc vợ Việt’ (hay vợ Tàu) là mối quan hệ nửa ‘sống’ và nửa ‘chín’. Khi nói chuyện họ chỉ hiểu 50% ý nghĩa của lời nói. Thật nhức nhối và buồn cho những hôn nhân như vậy, cô kết luận. “Mọi người có thấy đàn ông Úc thường trở nên keo kiệt hơn đối với những phụ nữ Châu Á hay không, nhất là những người thấp bé và không nói được tiếng Anh. Một số ông có ‘ý đồ’ cai trị đàn bà. Họ để ý đến phụ nữ Á Châu vì những người này vừa lịch sự, lại cả tin và dễ tính nữa!”.

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010