Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Học quá căng, một SV giỏi đột ngột tự tử

http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/6180/hoc-qua-cang--mot-sv-gioi-dot-ngot-tu-tu.html
Cập nhật lúc 14/01/2011 07:00:00 AM (GMT+7)

Cho là học sinh duy nhất của trường nghề được nhận vào học tại KAIST - trường ĐH uy tín nhất Hàn Quốc năm 2009 và trở nên nổi tiếng vì thành tích này. Tuy nhiên, sau một năm học tập, cậu đã tự tử vì quá căng thẳng.

Việc Cho (19 tuổi) - một sinh viên trẻ, có tài năng thiết kế robot tự tử đã làm khuấy động Hàn Quốc trong nhiều trong nhiều ngày qua kể từ khi người ta phát hiện xác cậu đang nằm trên xe máy của mình gần tòa nhà của Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) ở thành phố Daejeon vào lúc nửa đêm hôm 8/1.

Trước khi chết, khoảng 9h30 (giờ địa phương) Cho đã gặp một người bạn và nói rằng cậu sắp "uống thuốc và chết". Nhưng cậu bạn của Cho chỉ nghĩ đó là một câu nói đùa.

Cho đã từng đoạt hàng chục giải thưởng trong các cuộc thi robot. Chính vì thế cậu là người duy nhất học ở trường nghề vinh dự được nhận vào học tại KAIST thông qua hệ thống tuyển sinh trong đó các thí sinh được đánh giá không chỉ dựa trên điểm thi mà còn xét cả những yếu tố khác như thư giới thiệu của hiệu trưởng nhà trường cũng như các phỏng vấn chuyên sâu.

Tuy nhiên, trường KAIST giảng dạy đa phần bằng tiếng Anh và Cho đã phải rất vất vả để theo kịp các bạn. Bố của Cho cũng rất bất ngờ khi biết con mình đã vô cùng khó khăn khi theo học ở trường KAIST.


Thi đại học ở Hàn Quốc là một điều vô cùng khó khăn, thế nên trong phòng thi các thí sinh luôn nhắm mắt và cầu nguyện may mắn thì ở ngoài cổng, các bậc phụ huynh cũng căng thẳng không kém (Ảnh:Korea Times )

Bố Cho nói với cảnh sát: “Tôi không biết nó đã có một thời kỳ khó khăn như thế. Tôi nghĩ vào học tại KAIST là việc quá lớn mà nó có thể gánh vác”.

Các giáo viên và các chuyên gia nhận định rằng cuộc đua tuyển sinh viên thông qua các nhân viên tuyển sinh mà không qua các bước đầy đủ tiếp theo là một trong những lý do đằng sau vụ tự tử bi kịch này.

Theo số liệu từ Bộ Giáo dục, Khoa học và công nghệ Hàn Quốc, số lượng sinh viên Hàn Quốc tự tử trong những năm gần đây đang gia tăng.

Nghị sĩ Hwang WooYea của Đảng cầm quyền GNP cho biết đã đến lúc cần phải chú ý và có biện pháp đối phó với tình trạng này bởi nguyên nhân của các vụ tự tử bắt nguồn từ các yếu tố như nhà trường, gia đình và các môi trường xung quanh.

Mẫn Chi (theo Korea Times)

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Ở CÁC ĐÔ THỊ VIỆT NAM THÌ NÊN ĂN GÌ BUỔI SÁNG?

http://bshohai.blogspot.com/

Thứ ba, ngày 11 tháng một năm 2011


Tôi nhớ là mình đã viết ở đâu đó loại bài này rồi. Nhưng bây giờ ngồi tìm lại không thấy nó ở đâu? Thôi thì viết lại để cho mọi người đọc và có cái mà phòng bệnh vì ăn uống không đúng giữa thời buổi lắm sự giả dối này. Trong dinh dưỡng học lâm sàng có câu: "Ăn sáng là ăn cho mình, ăn trưa là ăn cho bạn và ăn tối là ăn cho kẻ thù". Nên việc ăn sáng rất là quan trọng như trong loạt 2 bài Quá trọng, mà tôi đã viết cách đây gần 2 năm.

Mấy tháng nay do tình hình lạm phát làm các sắp nhỏ ở clinic của tôi thường ăn sáng bằng bánh cuốn. Ở gần clinic của tôi, có một bà chuyên bán bánh cuốn sáng giá chỉ 15,000VNĐ một ký lô gam bánh, sau khi đã cuốn hẹ, tóp mỡ và chop thêm hành phi, nước mắm. Tôi hỏi thì mấy nhỏ bảo: "Không biết trong bánh cuốn có gì mà thì một bữa ăn sáng chỉ cần 5.000VNĐ là có thể no tới trưa?". Hôm nay tôi bỏ ra 5.000VNĐ để mua ăn thử, và đúng là nó no đến mãi 14h, mặc dù đĩa bánh cuốn 330gr không có một tý thịt nào. Sẵn có tấm hình cho bài viết, vì tình trạng các phụ gia công nghiệp bị lạm dụng quá nhiều trong các thực phẩm tiêu dùng ở các đô thị lớn.

Cuộc sống công nghiệp ở những đô thị đông dân việc sản xuất thực phẩm cũng trở thành là một vấn đề lớn đáng lo ngại cho người tiêu thụ. Đó là hậu quả của một quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, nên là lượng dân cư đông lên đột ngột. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao, mọi việc sản suất từ tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ đã trở thành công nghiệp hoá lượng lớn. Một số thực phẩm tiêu dùng hằng ngày buộc phải chạy theo các tiêu chuẩn đẹp, lâu thiu thối đã dẫn đến những hệ luỵ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng một cách thầm lặng mà ít ai để ý đến. Các bạn hãy nhìn hình 1 và 2 sau đây và xem lời chú thích sẽ rõ tại sao?

Bún làm thủ công: màu hẩm không đẹp mắt và dễ thiu nếu để trên 6h chưa dùng vì glucose bị lên men, an toàn thực phẩm. Ăn vào mau đói, nhưng nếu người lớn tuổi ăn không đúng cách thì sẽ dễ bị táo bón

Bún làm công nghiệp: có chất tẩy màu và có formaldehyde: màu rất trắng và dai, để lâu không thiu, ăn vào rất lâu đói và kích thích ruột tống độc chất ra ngoài nên rất mau đại tiện, mà không cần phải ăn đúng để không táo bón. Rất độc hại cho cơ thể.
Hủ tiếu dai thủ công: không có hoá chất tẩy trắng nhìn màu không trắng đẹp, nhưng an toàn thực phẩm.
Không chỉ riêng bún, mà cả bánh phở và hủ tiếu mềm cũng nằm trong danh sách thực phẩm đáng ngại.Tại sao phải cần tẩy trắng và làm cho khó thiu thì ai cũng dễ hiểu. Nhưng tại sao độc hại thì mọi người cũng có thể tìm hiểu về tác dụng của chất tẩy màu công nghiệp và formaldehyde như thế nào.

Các bạn nào chịu khó hay có quen biết những người làm nghề sản xuất bột để bán cho các nơi làm bánh phở, hủ tiếu, bún và bánh cuốn với số lượng lớn rồi bỏ lại cho các quán bún phở. Các bạn có thể đi tham quan sẽ thấy ở đó có những cái hồ chứa bột sản xuất ra mỗi ngày lên đến hàng tấn. Để giữ được bột không hư trong hồ, người sản xuất sẽ sử dụng formoldehyde - tên thường gọi là thuốc thúi - mà họ mua từng thùng ở chợ hoá chất về, để dùng ngăn cho bột không lên men thiu trong khi chờ bán cho các nơi sản xuất

Như vậy, ăn sáng ở những đô thị công nghiệp thì nên ăn gì cho an toàn? Theo tôi, tốt nhất vẫn là cơm tấm và bánh mì các món. Thỉnh thoảng nhớ bún và phở thì làm một tô hủ tiếu dai được phơi khô vẫn tốt hơn là chọn bún và phở là món ăn thường nhật buổi sáng. Bản thân các hoá chất công nghiệp này đã độc với cơ thể mà có một đặc điểm đáng sợ nữa là khi chúng đã được hấp thu vào mô cơ thể thì chúng không thể được đào tải ra ngoài được nữa. Nếu tập quán ăn uống của một cá thể nào đó dùng loại thức ăn chế biến có các hoá chất công nghiệp này thì dần tích luỷ ngày càng nhiều và một ngày đẹp trời biến chứng của nó đến các cơ quan nội tạng là không tránh khói.

Bài viết ngắn này hy vọng sẽ giúp các bạn có một ý niệm nhỏ về ý thức phòng bệnh cho mình. Và dĩ nhiên từ hôm nay tôi phải cấm mấy sắp nhỏ ở clinic mình không được ăn bánh cuốn loại này.

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Chủ tịch Sacomreal: 'Tôi thành công nhờ văn hóa gia đình'

http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Kinh-nghiem/2011/01/3BA2506A/
Thứ năm, 6/1/2011

Với Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal) Đặng Hồng Anh, thành công mà anh gặt hái được là nhờ sức mạnh của văn hóa gia đình mà bố mẹ ông đã xây dựng, vun đắp và truyền dạy cho con.
> 30 gia đình giàu nhất sàn chứng khoán 2010
> Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai kể chuyện kinh doanh

- Không những lọt vào Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán do VnExpress.net công bố, mà còn thăng hạng trong năm 2010 (từ hạng 37 lên hạng 29), anh cảm thấy như thế nào khi hay tin này?

- Dĩ nhiên là tôi vui vì điều đó. Dù ở bất cứ lĩnh vực nào người doanh nhân đều khao khát thành công và gặt hái được những thành tích tốt. Tôi cũng không ngoại lệ. Điều quan trọng là tôi còn rất trẻ, còn cả một quãng đường dài phía trước để phấn đấu và cần phải nỗ lực không ngừng. Để được xếp thứ hạng cao trong Top 100 người giàu là thành quả lao động tôi tích lũy nhiều năm chứ không phải ngày một ngày hai. Đây cũng là sự góp sức của một tập thể lớn. Trong giới bất động sản ai cũng biết, nói đến Hồng Anh tức là ngầm nhắc đến tập thể Sacomreal và ngược lại. Từ đó, tôi thấy mình gánh vác nhiều trọng trách với doanh nghiệp và cần phải nỗ lực hơn nữa.

Chủ tịch HĐQT Sacomreal Đặng Hồng Anh và vợ. Ảnh: H.D.

- Nếu năm 2006 - 2007 có nhiều đại gia còn nổi giận khi thấy tên mình trong bảng thống kê người giàu trên sàn chứng khoán thì năm 2010, không ít VIP hồi hộp đón chờ kết quả. Anh nghĩ gì về sự thay đổi thái độ này?

- Tôi nhận thấy người Việt Nam đã thay đổi tư duy về vấn đề này theo chiều hướng tích cực. Việt Nam xuất phát điểm là nước đang phát triển, đa số người dân còn nghèo nên sự phân hóa giàu nghèo có khoảng cách khá lớn. Thời gian đầu đúng là có nhiều bình phẩm, khen chê về danh sách người giàu. Thế nhưng hiện nay thái độ của dư luận và doanh nhân đã khác trước. Nền kinh tế thị trường khiến cho người ta có cái nhìn mới, thoáng hơn, buộc họ tự thay đổi quan điểm một cách từ từ nhưng rõ rệt.

Theo tôi, cần nhìn nhận rõ ràng hơn về khái niệm người giàu. Chẳng hạn như giàu như thế nào, người giàu đã nỗ lực làm việc ra sao, phong cách sống của họ có tốt hay không, họ làm được gì cho xã hội... Tự nhiên giàu lên hoặc giàu mà kênh kiệu thì không nói làm gì. Thế nhưng người giàu nhờ nỗ lực làm việc, lại có cách quản trị điều hành doanh nghiệp tốt, phong cách sống đàng hoàng thì cần phải tôn vinh họ. Đây là động lực giúp doanh nhân vươn lên trên thương trường, cũng là tương lai của đất nước. Biết đâu, vài năm nữa, nhờ nỗ lực của những người giàu ấy mà Việt Nam sẽ xuất hiện tỷ phú đôla đầu tiên.

Ông Đặng Hồng Anh và bố, Đặng Văn Thành đều lọt vào Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán năm 2010 do VnExpress.net thống kê, tổng hợp. Ảnh: S.R.

- Mới 30 tuổi nhưng đã đứng ở vị trí khá cao trong top 100 người giàu, anh có thể tiết lộ bí quyết thành công của mình?

- Tôi luôn nghĩ rằng thành công của mình ngày hôm nay là nhờ kế thừa và phát huy được truyền thống văn hóa gia đình. Trong đó, hình ảnh của ba tôi luôn đứng ở vị trí số một. Dĩ nhiên, tôi phải nỗ lực làm việc mới gặt hái được thành công. Thế nhưng, nhờ có ba luôn ý thức xây dựng nề nếp gia đình, dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu nên mới có tôi ngày hôm nay. Ông là một người bạn lớn, một người thầy, một ông bố biết hy sinh cho gia đình và con cái. Tấm gương sáng của ba đã tác động mạnh đến tôi, thôi thúc tôi phấn đấu làm việc.

Trong gia đình lớn này, mọi người đều thu xếp thời gian cùng nhau ăn trưa, tôi luôn cùng ba tập thể dục mỗi sáng và trò chuyện. Hai cha con không có bất cứ khoảng cách nào. Vào buổi trưa, ngày cuối tuần hay dịp lễ ông luôn dành thời gian cho gia đình. Ba tôi là người rất bận rộn nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian giáo dục con cái.

Bên cạnh đó, mẹ tôi luôn là người săn sóc, nâng niu những việc nhỏ nhất trong gia đình. Mẹ tôi là người phụ nữ tỉ mỉ, chu toàn mọi việc và mẹ chính là nguồn động viên rất lớn cho mỗi thành viên trong những lúc vui buồn. Tôi luôn tự hào về văn hóa gia đình mà ba mẹ tôi giữ gìn và vun đắp.

Và đặc biệt trong gia đình nhỏ của tôi, vợ tôi là người phụ nữ sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với tôi mọi buồn vui trong cuộc sống. Sau những bộn bề của công việc, tôi tìm thấy niềm hạnh phúc từ tiếng cười đùa của con nhỏ và sự ân cần chăm sóc từ người vợ thân yêu của mình.

Ông Đặng Hồng Anh và mẹ trong ngày kỷ niệm Sacomreal tròn 6 tuổi. Ảnh: H.D.

- Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ nuôi khát vọng giàu ngay từ khi còn ngồi ở trường trung học hoặc trên giảng đường đại học. Anh có lời nhắn gửi gì cho họ?

- Theo tôi, dù là thế hệ 8X hay 9X đều có hoài bão, mục tiêu riêng. Tuy nhiên để gặt hái được thành công, điều quan trọng nhất là mỗi người cần phát huy năng khiếu của mình dựa trên nền tảng gia đình. Nên đặt những mục tiêu gần, phấn đấu từng năm chứ đừng xa vời quá. Các bạn trẻ luôn có xu hướng làm theo thần tượng, là những nhân vật vĩ đại thuộc tầm cỡ thế giới hoặc những ngôi sao tên tuổi mà bỏ quên các tấm gương sáng xung quanh mình.

Thật ra, ba mẹ, cô dì, chú bác, anh chị của ta nếu họ thành công thì ta nên học hỏi từ họ. Gương người thật việc thật vẫn hay hơn là mơ mộng xa xôi, để rồi với không tới lại sinh ra nản lòng, chùn bước. Những mục tiêu ngắn hạn có thể chưa được gọi là thành công nhưng đó là động lực phấn đấu, giúp người trẻ tuổi luôn giữ được nhiệt huyết để tiến đến những thành quả to lớn hơn trong tương lai.

- Anh kỳ vọng và đặt mục tiêu gì để phấn đấu trong năm 2011?

- Nhìn lại chặng đường đã qua, thấm thoát Sacomreal đã được 6 tuổi, đến nay tổng tài sản của doanh nghiệp đạt gần 8.000 tỷ đồng. Tôi luôn hướng đến những mục tiêu chung là tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu của Sacomreal trên thương trường. Trong năm 2011 doanh nghiệp dự kiến khởi công 6 dự án bất động sản. Trong đó, có một dự án là khu đô thị mới khoảng 90 hecta thuộc quận Tân Phú, TP HCM. Đây là khu đô thị thứ hai của thành phố do công ty Việt Nam làm chủ đầu tư với số vốn dự kiến khoảng 1,2 tỷ USD, có thể sẽ là dự án khủng của năm. Các dự án còn lại Sacomreal sẽ đầu tư là: Carillon ( quận Tân Bình), Sacomreal - Hùng Vương (quận 6) và ba dự án còn ở Đà Lạt, Quảng Nam, Long An.

Còn kỳ vọng của tôi thì rất nhiều, một trong số đó là mong thị trường bất động sản chuyển biến tích cực trong năm 2011. Tôi tin rằng cuối quý II lãi suất sẽ ổn định và quý III địa ốc sẽ tươi sáng hơn.

- Anh có nghĩ rằng, lọt vào danh sách người giàu (Top 100) trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng là một mục tiêu phấn đấu của các doanh nhân?

- Trước tiên tôi muốn khẳng định, Việt Nam còn rất nhiều người giàu ẩn mình, vì doanh nghiệp của họ chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên khối tài sản của những người này chưa được lộ diện. Cũng cần hiểu thêm, sàn chứng khoán chỉ là một kênh thể hiện tài sản, ngoài các doanh nghiệp đã niêm yết, còn có cả thị trường OTC chưa được tính đến.

Việc VnExpress.net tổ chức thống kê và xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán nhiều năm qua là ý tưởng hay, cần duy trì và phát huy. Đây là một kênh để dư luận nhìn nhận và đánh giá lại những thành quả, giá trị mà doanh nghiệp cũng như doanh nhân nỗ lực đạt được trong một năm hoặc cả chặng đường dài. Chỉ số thống kê này cũng là một cơ sở tương đối để bạn bè các nước hiểu thêm về Việt Nam, cho thấy nền kinh tế này cũng có không ít doanh nhân nỗ lực làm việc và giàu có.

Đặng Hồng Anh sở hữu cổ phiếu cả hai công ty: Công ty địa ốc Sài Gòn thương tín (mã chứng khoán SCR) và Ngân hàng Sài Gòn thương tín (mã chứng khoán STB). Trong đó, SCR bắt đầu giao dịch từ tháng 11/2010, còn STB giao dịch từ tháng 6/2006. Tính đến cuối tháng 12/2010, tổng giá trị của cổ phiếu SCR và STB mà Đặng Hồng Anh nắm giữ đạt khoảng 618 tỷ đồng, giúp anh đứng ở vị trí thứ 29 trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán do VnExpress.net thống kê, tổng hợp.

Vũ Lê