Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Tay trắng sau ly hôn


GiadinhNet - Nhiều phụ nữ sau nhiều năm lấy chồng đến khi hôn nhân đứt gánh, phải đối mặt với sự thật: Tay trắng ra khỏi nhà.
Nhiều phụ nữ sau hàng chục năm lấy chồng, sinh con đẻ cái, chăm lo cho nhà chồng… đến khi hôn nhân đứt gánh, đã phải đối mặt với sự thật cay đắng: Tay trắng ra khỏi nhà…

21 năm và số 0 tròn trĩnh

Chị Lê Thị Vân Anh, trú tại nhà 110 G6A, khu tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội là một trong những phụ nữ điển hình cho việc phải tay trắng sau ly hôn. Theo lời kể của chị Vân Anh, năm 1990 chị lấy chồng. Anh Trung - chồng chị là công nhân nhưng về sau này thất nghiệp. Hơn thế, bệnh tật khiến đôi chân không thể đi lại được bình thường nên anh Trung cũng không đỡ đần được vợ cả về mặt kinh tế lẫn việc gia đình.

Vẫn theo chị Vân Anh, có lẽ vì không có công ăn việc làm nên anh Trung sa vào bài bạc. Tiền bạc, tài sản cứ thế đội nón ra đi khiến chị Vân Anh rất buồn. Chị đã khuyên nhủ anh nhiều, thậm chí còn tổ chức cuộc họp gia đình hai bên để khuyên giải anh nhưng đều bất thành.

Ngày tháng cũng trôi qua, hai đứa con gái cũng lớn, ngoan ngoãn, chị Vân Anh xem đó như niềm an ủi lớn nhất của đời mình. Vì vậy mỗi khi tiền mất, xe “chạy” ra hiệu cầm đồ, chị lại tự xoay sở và an ủi mình: "Thôi của đi thay người!".

Cũng bởi hai chữ "vì con" nên chị cứ nhẫn nhịn hết năm này sang năm khác, những mong sẽ có một cái hậu tốt đẹp. Nhưng rồi bỗng một ngày, chị nhận được đơn ly hôn của chồng. Tòa án nhân dân quận Ba Đình là nơi thụ đơn và đưa ra xét xử vào ngày 25/3/2011.

Tài sản đáng kể nhất sau ly hôn là ngôi nhà đang ở nhưng lại đứng tên sở hữu của bố mẹ chồng. Vậy là sau phiên xử ly hôn, chị thành người vô gia cư. Cùng chịu cảnh không nhà với mẹ là hai đứa con đang tuổi lớn (một cháu sinh năm 1991, một cháu sinh năm 1995) vì cả hai tự nguyện sống cùng mẹ. Vì lý do này, chị đã viết đơn kháng án, mong tòa phúc thẩm sẽ xét tới hoàn cảnh của ba mẹ con, cũng như mong nhà chồng sẽ nghĩ đến công sức mà 21 năm qua chị đã bỏ ra cho gia đình, con cái.


Chị Vân Anh hy vọng phiên tòa phúc thẩm sẽ xem xét tới hoàn cảnh của 3 mẹ con chị.

Công sức dã tràng

Phụ nữ sau ly hôn rơi vào tình cảnh không nhà không cửa tương đối phổ biến, chủ yếu là do thứ tài sản lớn nhất là ngôi nhà lại không thuộc sở hữu của vợ chồng. Về mặt pháp lý, trong những trường hợp này, không có điều luật nào để bảo vệ họ, mà chủ yếu phụ thuộc vào sự "tử tế" của người chồng. Có người muốn ly hôn đã quyết định đưa cho vợ một khoản tiền lớn, gọi là tiền "bù đắp tuổi thanh xuân", để vợ con có nhà để ở. Tuy nhiên, không phải người chồng nào cũng làm được như vậy. - Luật sư Trần Chí Thanh, Văn phòng Luật sư Tâm Đức - Hà Nội
Chị Đậu Thị Ngọc Dung, 41 tuổi, ở đường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội cũng đang đứng trước nguy cơ không nhà không cửa sau ly hôn. Trong bản tự khai gửi Tòa án nhân dân quận Ba Đình, chị Dung viết: "Tôi phải một mình gánh vác cuộc sống gia đình, lo toan chuyện con cái học hành. Đồng lương thu nhập của hai vợ chồng không đủ nên tôi đã phải bươn chải, nhờ bố mẹ đẻ, anh chị bên tôi giúp... Thương con, tôi âm thầm chịu đựng để các con tôi không bị ảnh hưởng. Tôi không nghĩ đến ly hôn vì các con tôi không muốn bố mẹ chia tay".

Mặc dù không muốn ly hôn nhưng vì anh Định, chồng chị nhất quyết ly hôn nên chị Dung đành phải chấp nhận. Chị viết đơn gửi đến Tòa: "Nếu ly hôn, tôi xin nhờ Tòa giải quyết và bảo vệ cho quyền lợi của tôi trong suốt thời gian tôi kết hôn. Từ khi lấy nhau, chồng tôi không có bất cứ tài sản nào ngoài ngôi nhà đứng tên mẹ chồng tôi hiện chúng tôi đang ở. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nuôi con ăn học, gây dựng gia đình đều do tôi gánh vác. Những khoản chi tiêu đó đã theo năm tháng tôi không thể tính hết được".

Đặc biệt, chị Dung cho biết, trong quá trình chung sống, chị đã bỏ ra hàng chục cây vàng để sửa chữa và nâng cấp nhà (4 lần sửa). Tuy nhiên, số vàng mà chị đã bỏ ra sửa nhà không có giấy tờ nên khi xét xử, tòa án đã không tính đến. Nhà không đứng tên vợ chồng, tài sản và tiện nghi trong nhà lại không đáng giá bao nhiêu, số tiền của mà chị bỏ ra sửa nhà thì không có giấy tờ gì chứng minh, công sức nuôi con ăn học, gánh vác gia đình thì càng không thể tính được... Với tất cả những lý do đó, chị Dung cũng rơi vào tình trạng không nhà không cửa sau 20 năm lập gia đình.

Về mặt pháp lý, ai cũng hiểu, ở vào hoàn cảnh của chị Vân Anh và chị Dung thì phải chấp nhận "trắng tay" khi ly hôn. Tuy nhiên có những điều dù không được ghi trong bản án nhưng là có thật, đó là công sức của người vợ bỏ ra sau bao năm chung sống, vun đắp, xây dựng gia đình. Trước ngày lên xe hoa, người phụ nữ tưởng như có tất cả: Sự trong trắng, tình yêu, người chồng và một gia đình như ước nguyện.

Giờ đến lúc “tình cạn, nghĩa tan”, những người phụ nữ lại trở về điểm xuất phát, nhưng có điều khác là trở về với hai bàn tay trắng.

Thật đáng buồn thay!

Lâm Vũ

http://giadinh.net.vn/20110502040641...sau-ly-hon.htm

Vợ chồng tớ mua nhà của ông anh chồng, chồng tớ không hề có ý định sang tên cho vc tớ, tớ có nhắc thì chỉ thêm gây chuyện. Chiếc xe máy cũng mua lại của anh chồng, vẫn để nguyên giấy tờ xe tên của anh chồng. Vợ chồng tớ thì cũng đang lục đục mãi. Nhiều lúc chịu không nỗi muốn chia tay, nhưng nếu chia tay tớ cũng ra đi 2 bàn tay trắng thì chắc chắn cũng không đủ kinh tế nuôi con và quyền được nuôi con cũng không có.
Chồng tớ đã có ý đồ dành của ngay từ lúc mới cưới rồi. Bây giờ có sống chung đến cuối đời tớ cũng ra đi 2 bàn tay trắng.
Giờ tớ phải làm sao đây?
Đứng tên anh chồng nhưng chắc vẫn phải có giấy tờ mua bán chứ nhỉ? Bạn cứ lưu lại tất cả các giấy tờ này làm bằng chứng khi ra tòa. Tuy nhiên đó là những bằng chứng yếu nhưng có còn hơn k0. Có lần tớ đi vắng, chồng tớ cũng mua đất vẫn để tên anh chồng, về nhà là tớ đòi chồng bán ngay lập tức, tớ phải dọa là nếu k0 đồng ý bán ngay thì tớ sẽ đến gặp VC ông anh yêu cầu cả 2 ký tên xác nhận là tài sản của VC người em.

Nếu các bạn ở chung với BMC, nhà của BMC, 2 VC k0 có vốn riêng, nhất là con dâu lại dành hết thời gian để chăm sóc chồng con, BMC, thay vì dành thời gian củng cố nghề nghiệp, địa vị XH của mình, thì ra đi với 2 bàn tay trắng là chắc chắn. Vì bản thân 2 VC đã chẳng có tài sản gì chung rồi, lấy đâu ra mà con dâu được chia phần. Có lẽ tiêu chí ở riêng là đầu tiên và quan trọng nhất đối với tớ khi lấy chồng.


Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Câu chuyện của người tự học

Vương Trí Nhàn

1. Lời khuyên đầu tiên

Ở trường đại học ra, sau khi thu xếp được một chỗ làm việc tàm tạm, cái việc mà một thanh niên tự trọng hiện nay phải lo đầu tiên, theo tôi chưa phải là lo học thạc sĩ rồi lần lên tiến sĩ... mà là học để có được một ngoại ngữ có thể sử dụng tự do và trước tiên, dư sức đọc các tài liệu chuyên môn.

Mỗi khi có dịp trò chuyện với các bạn trẻ, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nói - nếu như được yêu cầu có một lời khuyên - đơn giản như vậy. Đây là kinh nghiệm tự học của tôi, mà cũng là điều tôi rút đúc được, qua nhiều thành bại của các đồng nghiệp.

2. Nhận rõ vị thế của mình!

Các trường đại học mà bọn tôi theo học nhà cửa đơn sơ, phòng học nhiều khi chỉ là mấy gian nhà lá trống trải, sách vở và phương tiện thiếu thốn, cổ lỗ. Nay các trường đại học ở ta đã khang trang to đẹp hơn nhiều. Nhưng, theo chỗ tôi hiểu, trước sau trình độ đào tạo ở ta vẫn vậy, người sinh viên ra trường thường không nhập được vào guồng máy sản xuất của xã hội, còn so với trình độ đại học ở các nước tiên tiến thì lại càng không theo kịp (giá có muốn xin việc ở nước ngoài cũng không ai người ta nhận!)

Chúng ta chỉ được đào tạo rất sơ sài..., chắc chắn đây là điều mà các bạn trẻ đã nghe nhiều lần. Song biết lơ mơ là một chuyện, mà ghi tạc nó vào tâm trí, để biến thành ý chí, nghị lực trong hành động lại là một chuyện khác. Mà chỉ khi nào người sinh viên ở trường ra thấy đau đớn khổ sở vì mình chưa được học đến nơi đến chốn, tiếc cho tuổi trẻ của mình không vươn tới được cái tầm lẽ ra nó có thể vươn tới... thì người ta mới bắt tay vào tự học thực sự, tự học có kết quả.

Nhưng làm thế nào để biết rằng mình còn đang kém cỏi, nếu không đọc rộng ra sách báo nước ngoài? Xin phép được lấy ví dụ từ kinh nghiệm bản thân: Nhờ tự học tiếng Nga, hiểu văn học Nga (và chút ít văn học phương Tây qua tiếng Nga) mà tôi có điều kiện để nhìn nhận văn học Việt Nam phần nào thấu đáo hơn, cũng như quan niệm của tôi, cách hiểu của tôi về văn học nói chung, trong chừng mực nào đó, cũng trở nên hợp lý hơn. Một số bạn trẻ gần đây chỉ lo học ngoại ngữ để giao thiệp, trong khi đó học để đọc sách, kể cả “đọc” qua máy tính... mới là việc chủ yếu của người muốn tự học.

3. Tinh thần lập nghiệp.

Ta chỉ hay nói lớp trẻ nên khiêm tốn biết ơn những người đi trước... Song có một tinh thần nữa mà người thanh niên ngày nay phải thấm nhuần, ấy là không thoả mãn với kiến thức được truyền thụ, coi rằng moi việc người trước đã làm đều chưa hoàn thiện, thế hệ mình còn phải tiếp tục; hoặc trong khi chấp nhận sự hoàn thiện của người đi trước, thì vẫn tin rằng thế hệ mình sẽ có cách làm khác, để đi tới một sự hoàn thiện mới. Về mặt đạo đức mà xét, cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước, là tìm cách vượt lên trên họ. Sự hiểu biết kỹ lưỡng về thành tựu của những người đi trước là nhân tố có vai trò kích thích người trẻ tiếp tục khai phá mở đường.

4. Mấy “chiêu thức” cần thiết

Có nhiều “động tác” mới nhìn tưởng là chuyện nhỏ, song lại có ý nghĩa quyết định và các bạn trẻ mới bắt tay tự học nên biết :

1/. Các loại sách từ điển bách khoa cho phép người ta có được bức tranh toàn cảnh về một lĩnh vực kiến thức nào đó, bởi vậy, với những người tự học, là một công cụ thật thuận tiện. Vả chăng không phải chỉ tra một từ điển, mà có khi mò mẫm tra nhiều từ điển khác nhau, để tìm ra cái tối ưu. Khi sử dụng Bách khoa toàn thư, không nên quên theo dõi phần thư mục của nó, để tìm xem chung quanh vấn đề mình đang theo đuổi có những quyển sách nào đáng đọc nhất, rồi dành thời gian đọc bằng được. Theo cách này, tôi đã có thể hiểu kỹ thêm vài môn học mà quả thực, lúc học ở trường, chưa được các thày dạy, hoặc dạy quá sơ sài, thậm chí là dạy sai nữa.

2/ Trong khi tự đặt cho mình một kỷ luật làm việc, đồng thời ta nên dành ra những khoảng trống tự do, để từ lĩnh vực mình phải học, đọc lấn sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong khi học về văn học, tôi đồng thời có ý tìm đọc thêm sách sân khấu, hội hoạ, có lúc lan man sang cả sinh học, cơ học lượng tử... Không bao giờ tôi coi những bước lang thang này là mất thì giờ, ngược lại, thấy biết ơn những kiến thức xa lạ ấy, vì nhờ có chúng, những suy nghĩ của tôi về văn chương và đời sống trở nên mềm mại hơn.

3/ Nên biến việc tự học thành một việc hữu ích. Tức là người tự học cũng nên tính tới những sản phẩm cụ thể, và nếu những sản phẩm này biến thành hàng hoá, mang lại cho đương sự một số tiền nho nhỏ thì...càng tốt. Tôi nhớ hồi đang mê đọc các thứ lý luận về tiểu thuyết, tôi đồng thời nhận làm các bản lược thuật cho Viện thông tin khoa học xã hội. Đáng lẽ chỉ tuỳ tiện ghi lại kiến thức vào sổ tay thì tôi phải trình bày lại chúng một cách sáng sủa, để người khác có thể sử dụng được. Tiền thu được chẳng là bao, nhưng nó buộc tôi phải làm công việc của mình một cách nghiêm túc.

5. Bản lĩnh và may mắn

Bên cạnh yếu tố chủ quan của người đi học, thì việc học hỏi thành bại hay không còn phụ thuộc vào ông thày. Người tự học phải biết tìm thầy cho chính mình. Và nếu như sau một thời gian đọc hàng núi sách, anh chợt nhận ra mình toàn loay loay với những cuốn sách hạng ba hạng tư, thời giờ đã mất, mà kiến thức thu được chẳng bao nhiêu, thì người đáng để anh ta buông lời trách móc lại là chính bản thân anh - oái oăm là ở chỗ đó!

Thường nhìn vào khoa học, người ta dễ bắt gặp một khung cảnh ồn ào lộn xộn. Vậy nên khi bước vào đó, người tự học luôn luôn cần có một chút tỉnh táo để biết trong trường hợp của mình, thầy nào đáng theo, sách nào đáng đọc kỹ trước tiên. Tức là phải có được một bản lĩnh nhất định, và cả một chút may mắn nữa.

Nói là phải đọc hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo khác nhau, song người có kinh nghiệm đều biết trên con đường tự học thực ra chỉ có một hai cuốn sách nào đó với bản thân là có ý nghĩa nhất: những quyển sách ấy làm thay đổi cả hướng đi của mình, do đó cả cuộc đời mình. Nếu như bằng trực giác, bằng mẫn cảm, ta đã tìm được một hai cuốn sách lớn, và biết coi nó là bạn đồng hành suốt đời, đọc mãi không chán, thì hoàn toàn có thể tự coi là mình biết học, và may mắn ấy, không phải ai cũng có.

Nhấn mạnh một chút hên xui không phải để làm chùn bước các bạn trẻ : chính những đỏng đảnh bất định này lại là chút muối mặn mà làm cho công việc tự học của chúng ta không bao giờ nhàm chán.

Trong số rất nhiều định nghĩa về con người hiện đại, có một định nghĩa đơn giản như sau: Đó là con người biết làm ra chính mình.

Theo tiêu chuẩn này mà xét, thì người biết tự học luôn luôn là con người hiện đại./.

1998