Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Chuyện buồn vui của mối tình khác chủng tộc… tại Úc


06/05/2010 - 15:48 Kiều Chi (Bay Vút)

Do đâu có các cuộc hôn nhân khác chủng tộc? Có phải chỉ những ông Úc ế vợ mới đi Việt Nam tìm người nâng khăn sửa túi? Liệu đàn ông Úc có thích lấy phụ nữ Châu Á? Tình trạng phân biệt hôn nhân khác màu da ở Úc có nặng không và làm thế nào để sống hạnh phúc hơn?

Tính tình hợp nhau là điều quan trọng hơn cả cho các cặp tình nhân hay các cuộc hôn nhân khác chủng tộc. ( www.sxc.hu: Anka Zolnierzak)
Yến Dung là cô gái người Việt sống ở Sydney. Sang Úc từ năm ba tuổi, cô coi mình như người Úc thứ thiệt. Năm ngoái cô kết hôn với Michael, một trí thức Úc da trắng, tính tình điềm đạm. Họ sống khá hạnh phúc bên nhau. Chỉ khổ một nỗi là mỗi khi đến khu phố người Việt như Bankstown, Cabramatta, người đời nhìn Dung với ánh mắt hiếu kỳ. Viết trên báo Sydney Morning Herald tuần qua, Yến Dung kể lại: “Nhiều người gặp tôi cứ nghĩ tôi mới chân ướt chân ráo từ Việt Nam qua và chấp nhận lấy chồng ‘già’ để được visa vào Úc. Tôi buồn vô cùng vì mình sống ở Sydney cả 30 năm rồi.”

Còn trong cộng đồng người Úc, hơn hai năm đi cạnh chồng, cô nghe những lời xầm xì như: “Trông cô chẳng giống người Việt chút nào. Lai Tàu phải không?” hay “Người Châu Á cày suốt ngày như trâu. Nghỉ ngơi một chút đi, sống nhẹ nhàng thôi”. Và các phát biểu khác đau điếng hơn, kiểu: “Tại sao gái Việt lại lấy chồng Úc da trắng? Bộ hết đàn ông Việt rồi hả?”

Câu chuyện của Yến Dung đặt ra nhiều suy nghĩ. Do đâu có các cuộc hôn nhân khác chủng tộc? Có phải chỉ những ông Úc ế vợ mới đi Việt Nam tìm người nâng khăn sửa túi? Liệu đàn ông Úc có thích lấy phụ nữ Châu Á? Hay do các ‘mợ nhà ta’ tấn tới? Tình trạng phân biệt hôn nhân khác màu da ở Úc có nặng không và làm thế nào để sống hạnh phúc hơn? Bài viết tổng hợp các ý kiến từ những lá thư ‘dốc bầu tâm sự’ của các nam nữ độc giả lập gia đình với người khác chủng tộc’ đăng trên báo Sydney Morning Herald.

Trai Việt khó kiếm gái Úc?
Tony Fernandez giới thiệu anh là người Philippines và sang Úc từ năm 2 tuổi. Fernandez không gặp bất cứ vấn đề gì khi ‘cặp’ với phụ nữ gốc Âu. Hiện nay anh đang sống với người bạn gái Úc, da trắng, nhà ở vùng Bắc Sydney. Ban đầu anh hơi ngập ngừng khi gặp gia đình của cô ta. Tuy nhiên, mọi việc sau đó cũng ổn. Tony kể: “Khi ra ngoài đường, chúng tôi không gặp phải thành kiến hay sự phân biệt nào. Nếu ai đó ‘dòm ngó’ chàng trai gốc Á dắt tay cô gái Châu Âu, tôi cho rằng đó là do sự hiếu kỳ hơn là do thành kiến”. Theo anh, trong nhiều trường hợp sự tự tin quan trọng hơn màu da. Người ta hay nói câu tình yêu làm mờ con mắt và có phải khi yêu nhau say đắm người ta quên tất cả?

Michael Hoàng Vũ là người gốc Sài Gòn. Vũ sang Úc khi mới 5 tuổi. Từ trước đến giờ anh chỉ quen với con gái Tây. Hiện nay vợ chưa cưới của anh là người Úc tóc vàng da trắng, còn bạn gái cũ của anh là người gốc Ý. Lý do con trai Châu Á ít tìm được bạn gái Úc, theo Michael, là do các chàng da vàng hay có cảm giác mặc cảm. “Nếu cứ tự ti như vậy thì con trai Châu Á không bao giờ được đàn bà để ý cả”, chàng thanh niên gốc Việt 27 tuổi nói. Anh cho biết các bạn Úc nhận xét về con trai Tàu/Việt như sau: thứ nhất, trai gốc Á nhìn dễ thương, hoàn toàn có thể quen được, nếu có trở ngại nào đó thì theo họ là do đàn ông gốc Á không bao giờ bỏ thời gian đi ‘tán’ gái Úc da trắng; thứ hai, một số chàng không được tự tin cho lắm. Michael nói thêm kinh nghiệm của anh cho thấy những người đàn ông gốc Á mới sang Úc, tiếng Anh không tốt, thì sẽ khó tiếp cận con gái Úc hơn.

Cùng chủ đề về trai da vàng kiếm bạn gái khác màu da, Bary Tran, độc giả sống ở Balmain, chia sẻ: “Hãy năng động hơn và luyện tập thể dục (gym) thường xuyên. Để làm gì? Để cho cơ thể và cơ bắp phổng phao hơn”. Theo Bary, phụ nữ nói chung không muốn người bạn trai nhỏ hay nhẹ ký hơn họ; bạn không nên có thái độ thụ động mà cứ mạnh dạn mời phụ nữ da trắng đi chơi tối, nếu sự việc không thành thì bạn chỉ bị quê mặt có năm phút thôi, còn nếu bén rễ thì mọi thứ đều có thể xảy ra; nhớ là tìm chủ đề nói chuyện cho hay như phim ảnh, địa ốc hay du lịch chứ đừng kể chuyện… pokemon hay bánh chưng, bánh giò nhé!”.

Cũng có trường hợp phụ nữ Tàu cặp với đàn ông Úc bị người đời phân biệt. Cindy Chow, cô gái Tàu gốc Hồng Kông, là trường hợp như vậy. Hiện cô đang quen với một người đàn ông Úc da trắng. Theo cô, tính tình hợp nhau là điều quan trọng hơn cả cho các cặp tình nhân hay các cuộc hôn nhân khác chủng tộc. Dù sự hấp dẫn ban đầu đến từ vẻ đẹp bên ngoài nhưng theo thời gian thì cá tính mới là điều quan trọng và gắn bó hai người với nhau. Tuy nhiên, trong một lần dạo phố, cô nghe thấy một người Úc trung niên lẩm bẩm nói với bạn trai cô: “Này, ông nên chích vắc-xin đi kẻo bị nhiễm ‘virus asian’ đấy!”. Cindy coi đó là thái độ phân biệt người Châu Á nặng nhất mà cô từng gặp. Cô tự hỏi, chẳng lẽ nước Úc ngày nay vẫn còn những người lạc hậu thế sao?

Phụ nữ Châu Ádễ bảo?
James Spark là người Úc da trắng đã từng sống ở Trung Quốc tám năm. Qua giao tiếp với người Tàu, ông cho rằng mình khá hiểu về phụ nữ Á Châu. Theo anh, các cô gái trẻ gốc Á hiện giờ ‘ghê ghớm’ không khác gì con gái Úc da trắng: ăn mặc thì hở hang, nói năng thì bạo miệng, cãi chồng hay bạn trai đến nơi đến chốn. “Không tin thì cứ thử ra phố Tàu… ở Sydney là biết ngay”, James nói. “Gái Tàu ngày nay không dễ bảo hay ngoan ngoãn như cung tần mỹ nữ đâu. Một số cô có tính đòi hỏi, bướng bỉnh, khi không được chiều như ý thì sẵn sàng nổi nóng. Nhiều cô không biết nấu ăn mà cũng chẳng biết giặt đồ, sống như người Tây vậy. Cô bạn Tàu đang sống với tôi trong bốn năm qua không một lần nấu ăn hay giặt ủi cho tôi.”

Điều đáng buồn theo James đó là rất nhiều đàn ông da trắng tìm vợ Tàu để được ‘chiều’ và ‘hầu hạ’. Thế nhưng, cuối cùng họ lại phải bỏ ra khá nhiều tiền để săn sóc một bà ‘vương phi’ tốn kém. “Bước sang tuổi 50, những ông này trở nên khô khan và cục cằn, đó là hậu quả của nhiều năm phục dịch một cô vợ ‘đòi hỏi’. Trái ngược với suy nghĩ của một số người cho rằng phụ nữ Châu Á không ‘xuống cấp’ nhanh vì khổ người nhỏ hay cơ thể không bị ‘chảy’ như phụ nữ Úc, James cho rằng các bà ‘mợ’ Tàu vào tuổi 50 cũng ‘bùng nhùng’ lắm.

Agarat Bansong là cô gái Thái Lan sống ở Úc từ năm 4 tuổi. Agarat thừa nhận từ lúc đi học cho đến khi đi làm, cô không gặp nhiều con trai gốc Á. Cuối cùng, cô chỉ cặp với đàn ông Châu Âu, những người thường hơn cô 10 tuổi. Là người da vàng theo lối sống Úc, Aggarat nói cô thích cặp với đàn ông Úc, càng lớn tuổi càng tốt. Khi ra đường lúc hai người nắm tay nhau, dân tình đôi khi lườm nguýt. Thậm chí có người cho rằng ông người Úc lên Internet kiếm vợ và đưa từ Thái Lan qua. “Tôi thấy đàn bà da trắng hay để ý, cái nhìn của họ hơi ghen tuông một chút”, Agarat nói. “Tuy nhiên tôi làm ngơ, hơi đâu mà để ý đến họ”. Quan trọng nhất theo cô là tính cách hai người có hợp nhau hay không, còn lại nếu ai đó không vui hoặc có thái độ phân biệt thì đó là vấn đề của họ.

Ozzie Boy Hùng kể về kinh nghiệm mà anh quan sát được từ các cuộc hôn nhân khác chủng tộc, kiểu chồng Tây vợ Việt. Theo anh, phần lớn đàn ông Tây khi kiếm được cô vợ Châu Á đều cho rằng họ ‘vớ được món hời’. Hùng nói thêm anh đã từng quen với phụ nữ người Việt, rồi người Úc và họ đều là những người có cá tính hay. Nếu được, anh cũng muốn ‘cặp’ với Lara Bingle, một người mẫu hàng đầu của nước Úc hiện nay. Hùng viết: “Trong quan hệ nam nữ, sắc tộc không quan trọng. Quan trọng là cách nói chuyện, sự cảm mến nhau, dù khác biệt về văn hóa hay ngôn ngữ đôi khi tạo ra ngăn cách. Tại Úc, đàn ông di dân Châu Á gặp khó khăn trong việc kiếm vợ, trong khi phụ nữ thì có nhiều sự lựa chọn hơn.”

Elizabeth Hales, cô gái Úc từ Sydney, than phiền không hiểu sao đàn ông Úc (một số ông thôi) lại quen với mấy bà di dân xấu hoắc! Theo cô phụ nữ Tàu cần quen với đàn ông Tàu, hoặc đàn ông Việt thì nên quen với phụ nữ Việt. Như vậy, họ sẽ không gặp trở ngại gì về ngôn ngữ. Nếu như họ sống với người khác văn hóa và chủng tộc thì làm sao hiểu được sự tinh tế về ngôn ngữ và những cử chỉ tế nhị trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Elizabeth gọi các mối tình ‘chồng Úc vợ Việt’ (hay vợ Tàu) là mối quan hệ nửa ‘sống’ và nửa ‘chín’. Khi nói chuyện họ chỉ hiểu 50% ý nghĩa của lời nói. Thật nhức nhối và buồn cho những hôn nhân như vậy, cô kết luận. “Mọi người có thấy đàn ông Úc thường trở nên keo kiệt hơn đối với những phụ nữ Châu Á hay không, nhất là những người thấp bé và không nói được tiếng Anh. Một số ông có ‘ý đồ’ cai trị đàn bà. Họ để ý đến phụ nữ Á Châu vì những người này vừa lịch sự, lại cả tin và dễ tính nữa!”.

1 nhận xét: