Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Những ông “vua con” trong nhà trường Mỹ

http://www.baomoi.com/Nhung-ong-vua-con-trong-nha-truong-My/59/5991505.epi

Một đặc điểm nổi bật của nền giáo dục Mỹ là tính dân chủ có phần...thái quá. Nhiều người nước ngoài bị sốc khi được tận mắt chứng kiến việc học tập và giáo dục tại các trường phổ thông ở đây.

Không được đụng đến trẻ em

Định đề chính của nền giáo dục Mỹ là cần phải đối xử với đứa trẻ như với người lớn. Đứa trẻ là một nhân cách mà chúng ta phải lắng nghe và tôn trọng sự lựa chọn của nó.
Tất nhiên cần phải định hướng cho trẻ, nhưng không phải dưới hình thức mệnh lệnh, mà bố mẹ cần phải giải thích, tại sao cái này tốt, còn cái kia lại xấu. Mà để giáo dục cho trẻ những giá trị của gia đình từ thuở còn thơ, bạn phải mang nó theo khắp nơi.
Vào khách sạn, đến bạn bè, đi xem hát, vào nhà thờ...Hãy để cho trẻ quan sát bố mẹ ứng xử như thế nào trong những trường hợp tương tự, và nó sẽ trở thành như vậy: một người Mỹ thực sự!
Mỗi công dân Mỹ mẫu mực phải “thông báo về những hành động vi phạm nhân quyền”. Và nếu đứa trẻ phàn nàn với ai đó rằng nó bị đánh đập, thì người lớn nào nghe được điều đó có thể đi báo cảnh sát.
Nhưng phải làm gì nếu cậu bé tinh nghịch không vâng lời? Mà đó đâu phải là lỗi của nó! Người có lỗi là bố mẹ: vì họ không giải thích, không giáo dục chỉ bảo.
Ở Mỹ có hai biện pháp trừng phạt chính. Thứ nhất – đứa trẻ bị tịch thu một cái gì đó: giấu đồ chơi, không cho xem tivi...Biện pháp thứ hai gọi là “ghế nghỉ ngơi”.
Kẻ nghịch ngợm được đặt lên ghế đó để cậu ta ngồi im lặng và suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Nhưng trước khi chịu hình phạt, người lớn sẽ tâm sự để cậu bé hiểu rằng mình đã làm điều bậy bạ và không bao giờ được lặp lại nữa.
Khác với nhiều nước, ở Mỹ các bà mẹ không vội vã đi làm sau khi sinh. Họ rất ít khi đi thuê bảo mẫu – phải chăng một người lạ có thể giáo dục đứa trẻ trên tinh thần những giá trị của gia đình họ?
Ông, bà cũng không trông cháu: một khi bạn quyết định sinh con nghĩa là phải sẵn sàng dành cho nó toàn bộ thời gian. Còn khi bà mẹ đi làm thì phải gửi con vào nhà trẻ. Ở đấy đứa bé tự do làm những gì mình thích: đi dạo, ngủ hay chơi đồ chơi.
Bị điểm 2, không phê bình học sinh, mà là thầy giáo
Nói rằng trường phổ thông Mỹ khác trường phổ thông Nga là chưa nói gì. Và có bao nhiêu trường phổ thông thì có bấy nhiêu sự khác biệt, bởi vì mỗi bang có những chương trình phổ thông của mình.
Ông Aytrat Dimiev, một cựu giáo viên ở Kazan 10 năm nay dạy hóa ở Texas, dưới ảnh hưởng của hiện thực nước Mỹ, ông đã viết cuốn “ Nước Mỹ hạng nhất”.
Tác phẩm của ông vừa được khen ngợi lẫn phê phán, nhưng “cái nhìn từ bên trong” này là một minh chứng hùng hồn về nền giáo dục Mỹ.
Điều đầu tiên khiến ông Dimiev kinh ngạc là sự trang bị cơ sở vật chất. Trường phổ thông ở Mỹ là cả một thành phố với vườn cây, bể bơi, sân bóng đá, phòng thí nghiệm.
Khi bước chân qua ngưỡng cửa “thành phố” này,”chúng tôi được phát các cuốn sách về giáo dục học...Không được mắng mỏ, nói xấu và hơn nữa là trừng phạt học sinh.
Giáo viên cần phải tác động tới học sinh một cách tích cực, nhằm động viên các em về kết quả học tập. Còn trẻ em có thể nói chuyện riêng, đi lại trong giờ học, ngồi ở tư thế tự do...- ông viết.
Ông Dimiev lấy làm ngạc nhiên rằng thậm chí giáo viên không được “làm mếch lòng” trong việc cho điểm học sinh. Dù học sinh kém đến đâu, việc cho điểm 2...không hẳn là bị cấm mà là không mong muốn.
Điểm thấp = trình độ giảng dạy kém = hạ thấp bảng xếp hạng của nhà trường. Kẻ vi phạm điều đó có thể bị sa thải: kể cả hiệu trưởng lẫn các quan chức giáo dục. Mà ai để xảy ra điều đó?
Chính vì vậy, lãnh đạo luôn gây áp lực đối với giáo viên để họ không cho điểm kém.
Việc học tập ở trường phổ thông phải đem lại cho trẻ em Mỹ niềm vui. Nếu không thầy giáo lại là kẻ có lỗi. Cũng cần nói thêm rằng vào đầu mỗi năm học, học sinh có thể thay thầy giáo.
Quá trình giáo dục cần phải trở nên hấp dẫn và không căng thẳng. Nếu ngược lại thì bị coi là bạo lực với trẻ em. Quá trình giáo dục cần phải trở nên hấp dẫn và không căng thẳng. Nếu ngược lại thì bị coi là bạo lực với trẻ em.
Quá trình tư duy cần phải được huy động đến mức tối đa. Việc một học sinh ngồi rất lâu trước một bài tập và không thể giải được, chứng minh, hoặc năng lực trí tuệ của học sinh thấp. Mà điều đó không ổn.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu hệ thống giáo dục “kỳ quặc” như vậy, thì tại sao đất nước này lại đạt được một trình độ phát triển cao đến thế? Vấn đề ở chỗ những người Mỹ giàu có và học thức thường cho con con vào học các trường tư, nơi trình độ cao hơn.
Hơn nữa, theo ý kiến của các nhà giáo dục, hệ thống tự chọn các môn học tạo điều kiện cho học sinh tập trung vào những kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp tương lai, và không phung phí nhiều thời gian cho những môn khác.
Quả thật, việc gì một nhà sử học tương lai phải mất nhiều thời gian để “cày” môn hóa học, nếu như nó không bao giờ cần thiết trong đời, và thay vào đó có thể học các môn nhân văn?
Mặt khác, so với các trường phổ thông, việc học tập trong các trường đại học Mỹ được tổ chức nghiêm túc hơn nhiều: bạn đã trở thành người lớn, và học tập đối với bạn không phải là niềm vui nữa, mà là nền tảng của cuộc sống tương lai.
“Thời gian gần đây, ở Mỹ người ta thường nghe những lời kêu gọi làm gì đó cho giáo dục, - ông Dimiev viết. – Ví dụ, tôi biết một tổ chức phi thương mại đang có ý định áp dụng phương pháp giảng dạy toán của Nga vào nhà trường Mỹ”.
Trong khi đó, hiện nay nước Nga đang trôi dạt về phía hệ thống giáo dục Mỹ. Hơn nữa, người ta đang tiếp thu hoàn toàn không phải là những mặt mạnh của nó. Không áp dụng cơ chế bảo vệ học sinh trước sự lộng hành của thầy giáo. Không chú ý đầy đủ tới các môn thể dục, âm nhạc nghệ thuật.
Thay vào đó, người Nga lại chứng kiến sự đơn giản hóa chương trình giáo dục, sự phá hoại kinh nghiệm được tích lũy nhiều thập kỷ và phương pháp giảng dạy đã được nghiên cứu một cách bài bản. 

Con cái là niềm vui

Nền giáo dục Mỹ có hai cái khác biệt cơ bản so với giáo dục Nga, - bà Aidi Gorbbunova, chuyên gia nghiên cứu tâm lý gia đình, nói:
Thứ nhất, đứa trẻ Mỹ có quyền lựa chọn: chơi với ai, học những môn nào ở trường, vào học trường nào. Còn ở nước Nga, bố mẹ thường quyết định tất cả.
Thứ hai, người Mỹ không so sánh để gây cho chúng mặc cảm. Ở Mỹ bạn không bao giờ nghe những câu kiểu như: “Masha học rất giỏi, còn con lười quá”.
Người Mỹ tin tưởng rằng con cái là trời cho, cần phải vui mừng với những gì vốn có, chứ không phải là hành hạ nó, làm hỏng tính cách nó. Nếu không, đứa trẻ sẽ không tự tin, thậm chí trở nên hung dữ, không chỉ như vậy mới có thể giáo dục nhân cách. 

Theo Trần Hậu GD&TĐ



1 nhận xét: